RFI Điểm Báo 10.05.2011

  • Đồng nhân dân tệ Trung Quốc tấn công thế giới
  • Đài Loan đối diện với hiện tượng chảy máu chất xám
  • Năng lượng xanh có thể thay thế nhưng quá đắt
  • Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay
 Thứ ba 10 Tháng Năm 2011
Đồng nhân dân tệ Trung Quốc tấn công thế giới
Đây là tựa đề trên trang báo kinh tế « Les Echos » ngày hôm nay, 10/05/2011. Bài báo nhận định : Việc Trung Quốc phải quốc tế hóa đồng nhân dân tệ là điều không thể nào tránh khỏi.
(Reuters)
(Reuters)

Kịch bản cho đối thoại chiến lược Trung-Mỹ lần này có thể nói là bất di bất dịch. Nếu như Trung Quốc phê phán thái độ thờ ơ của Mỹ về các khoản đầu tư ngoài châu lục, thì giới chính trị Mỹ lên án Trung Quốc kềm giá đồng nguyên thấp hơn giá trị thực để cho các doanh nghiệp của mình tư lợi. Đồng nhân dân tệ vẫn là đề tài chủ yếu trong cuộc đối thoại lần này. Tuy nhiên, các nhà quan sát nhìn nhận rằng, đồng tiền Trung Quốc đang tiến triển với tốc độ nhanh. Vừa qua, giá đồng nguyên được tăng lên 5%. Điều này cho thấy Bắc Kinh không còn dấu giếm ý định muốn đồng nguyên trở thành ngoại tệ quốc tế.
Theo Les Echos, thật ra Trung Quốc đã cho thực hiện thí điểm tại Hồng Kông, khi cho tăng lượng tiền dự trữ bằng đồng nguyên tại các ngân hàng ở đây. Điều này không những có lợi cho các nhà đầu tư mà cho cả phía chính phủ Trung Quốc. Các nhà đầu tư nước ngoài tại Hồng Kông được vay tiền với lãi suất hấp dẫn. Còn về phía chính phủ, nếu họ phát hành trái phiếu 5 năm tại Hồng Kông và thu hồi tại Bắc Kinh thì sẽ rẻ hơn gấp 4 lần so với việc phát hành tại lục địa.
Hơn nữa, Trung Quốc cũng đã thành công trong việc trao đổi mậu dịch bằng đồng nguyên giữa các đối tác thuộc nhóm nước mới trỗi dậy. Vào năm 2009, 6% trao đổi ngoại thương Trung Quốc được thực hiện bằng đồng nguyên (chủ yếu các nhà nhập khẩu dựa trên cơ chế này). Như vậy, không những phương thức này giúp bảo vệ các nước mới trỗi dậy chống lại sự biến động của tỷ giá hối đoái, mà nó còn giúp đồng nguyên của Trung Quốc vươn xa ra khỏi lãnh thổ.
Trung Quốc không có lựa chọn nào khác
Theo Les Echos, với nguồn dự trữ « khổng lồ » 3.000 tỷ đô-la, Trung Quốc đang hứng chịu những hậu quả tai hại. Cứ mỗi một đồng USD dự trữ đi vào két sắt cũng đồng nghĩa có thêm 6,5 đồng nguyên lưu hành trên thị trường. Hậu quả của việc trao đổi mậu dịch bằng đô la.
Với lượng tiền dự trữ dồi dào như thế, Trung Quốc bắt buộc phải suy nghĩ đến việc đầu tư. Nhưng trong lãnh vực nào mới được ? Nơi nào mà Trung Quốc có thể sử dụng đô la để đầu tư mà ít rủi ro nhất ? Dĩ nhiên là Trung Quốc phải chọn phương án trở thành ông chủ nợ của Hoa Kỳ, bằng cách mua lại các trái phiếu chính phủ, với trị giá khoảng 1.600 tỷ đô-la.
Tuy nhiên, với khủng hoảng tài chính thì kiểu đầu tư này sẽ không còn chắc chắn nữa. Thứ sáu vừa rồi, tờ « China Daily » công bố thiệt hại 271 tỷ đô-la kể từ năm 2003 vì lý do nêu trên. Chính điều này đã khiến chính quyền Bắc Kinh phải cân nhắc lại mối quan hệ cộng sinh với đồng tiền Mỹ. Trung Quốc quyết định đi trước một nước cờ khi để đồng nguyên được xuất hiện bên ngoài lãnh thổ, giúp Trung Quốc giảm việc thu đô la vào, thông qua việc xuất hóa đơn trên giá trị gia tăng trong trao đổi mậu dịch bằng chính đồng tiền của mình.
Bị kẹt trong mớ bòng bong
Tuy nhiên khi Trung Quốc để đồng nguyên dần tiến ra ngoài, Bắc Kinh cũng cảm thấy rối bời khi không biết nó sẽ đi đâu về đâu. Theo giải thích của các chuyên gia kinh tế, nếu muốn đồng nguyên được chấp nhận ở nước ngoài, điều chắc chắn là Trung Quốc sẽ phải kết hợp nó với khả năng đầu tư. Có lợi ích gì khi mà một người nước ngoài nắm giữ một lượng lớn đồng nguyên mà lại không thể đầu tư ở đâu khác ngoài lãnh thổ của Trung Quốc hay tại Hồng Kông.
Bắc Kinh hiểu rõ điều đó và bắt đầu tháo bớt những kẽ hở. Trong chương trình hoạch định 5 năm cho đến 2015, tự do hóa dòng vốn bằng đồng nguyên là một trong những mục tiêu của chính phủ. Nhưng thời điểm thực hiện là lúc nào thì không ai biết. Lý do là đồng nguyên càng tự do lưu thông thì Trung Quốc càng có nhiều rủi ro trước dòng vốn khổng lồ này. Trước mắt, dòng vốn này đang tìm mọi cách để quay trở lại lục địa hòng đầu tư vào thị trường bất động sản đang lên. Không những thế, xu hướng đồng nguyên tăng giá cũng là một thị trường béo bở cho các tay đầu cơ.
Cuối cùng, Les Echos tự hỏi làm thế nào Trung Quốc có thể biến đồng nguyên của mình thành một ngoại tệ quốc tế nếu như họ không làm cho nó có khả năng chuyển đổi và trao đổi rộng rãi hơn.
Đài Loan đối diện với hiện tượng chảy máu chất xám
Cũng liên quan đến vấn đề kinh tế, Le Figaro có bài viết « Đài Loan đối diện với hiện tượng thất thoát chất xám qua Trung Quốc, Hồng Kông và Singapore ».
Theo Le Figaro, hiện nay chính phủ Đài Loan quan ngại về hiện tựơng chảy máu chất xám. Kỹ sư, các nhà khoa học, hay các nhà nghiên cứu ngày càng dễ dàng bị cám dỗ từ các đề nghị của Singapore, Hồng Kông và ngay cả từ chính Trung Hoa lục địa, với mức lương cao hơn tại Đài Loan từ 200 đến 300 euro, thậm chí gấp 3 lần.
Le Figaro thuật lại, trong một hội chợ triển lãm điện tử tại Đài Bắc, các doanh nghiệp Singapore đã ngang nhiên dụ dỗ hơn 200 chuyên gia Đài Loan ngay trước mũi các nhà tổ chức.
Để đối phó với nạn chảy máu chất xám, trước mắt chính quyền Đài Bắc tuyên bố kể từ đầu tháng 7 năm nay, sẽ tăng 3% lương cho công chức nhà nước. Nhưng, đấy chỉ là một giọt nước trong muôn ngàn biển khơi. Ngay cả như Viện Nghiên cứu Công nghệ Công nghiệp, viện nghiên cứu mạnh nhất của Đài Loan, cũng không thoát được hiện tượng chảy chất xám, khi mà Trung Quốc cho thành lập 38 viện nghiên cứu hoàn hảo có khả năng cạnh tranh với Đài Loan. Viện nghiên cứu của Đài Loan đề nghị một cách vô vọng với chính phủ nên bỏ quy định mức lương trần trong tất cả các cơ sở nhà nước.
Một chính sách thu hút nhân lực nước ngoài cũng giúp cho Đài Loan bù lại lượng chất xám bị thất thoát. Chẳng hạn như mở cửa thị trường lao động cho những người nước ngoài đến du học tại Đài Loan. Hay thu hút những người Trung Hoa lục đia mong muốn tìm một cuộc sống tốt hơn và tự do thật sự. Ngoài ra, tuyển dụng các chuyên gia hay các giáo sư về hưu của Nhật và Mỹ (nhất là trong lãnh vực y tế) cũng là một ý kiến đáng xem xét theo như lời một quan chức của Văn phòng Ngoại thương và Kinh tế của Đài Loan.
Năng lượng xanh có thể thay thế nhưng quá đắt
« Năng lượng xanh, kịch bản thay thế đáng tin cậy nhưng đắt đỏ », là một bài viết trên báo Les Echos. Các chuyên gia khí hậu tiên đoán khả năng tiềm tàng của nguồn năng lượng tái sử dụng.
Hôm qua, tại Abu Dhabi, các chuyên gia về khí hậu của Liên Hiệp Quốc đã cho công bố bản báo cáo dày 900 trang trình bày các ưu thế của nguồn năng lượng xanh. Theo họ, nguồn năng lượng tái sử dụng sẽ giữ một vai trò chủ đạo nhằm thực hiện việc giảm thải khí gây hiệu ứng nhà kính.
Cũng theo các chuyên gia, trong một kịch bản khả quan nhất, thì nguồn năng lượng này có thể cung cấp đến 77% cho tiêu thụ năng lượng vào năm 2050.
Họ cho rằng việc phát triển các nguồn năng lượng xanh còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách của các quốc gia trong những thập niên sắp tới.
Thế nhưng, các khoản đầu tư trong sản xuất không phải là nhỏ. Theo tính toán, đầu tư để sản xuất điện có lẽ nằm trong khoảng giữa 1.360 và 5.100 tỷ đô la từ đây đến 2020 và trong những thập niên tiếp theo, sẽ nằm trong khoảng 1.490 và 7.180 tỷ đô-la. Nhưng dù sao đi nữa thì nguồn đầu tư này chiếm chưa tới 1% PIB của thế giới cho tới năm 2050.
Các chuyên gia gặp khó khăn trong việc đánh giá chi phí hòa nhập nguồn năng lượng tái sử dụng với hệ thống sản xuất điện, sản xuất nhiên liệu và hệ thống sưởi.
Thế nhưng, Tổ chức Greenpeace và WWF đánh giá rằng bản báo cáo trên đã bị giảm nhẹ theo yêu cầu của các nước trong tổ chức OPEP và nhất là Ả Rập Xê Út.
Trên trang nhất các báo Pháp hôm nay
Chỉ còn một năm nữa là bầu cử tổng thống Pháp sẽ diễn ra. Hồi tưởng lại 30 năm, lần đầu tiên cánh tả giành chiến thắng trong kỳ bầu cử quan trọng, các trang báo Pháp đều nhắc lại sự kiện « Mitterrand ».
Đối với số báo lớn, thì « 30 năm sau, Mitterran lại trở thành biểu tượng của cánh tả » như hàng tit trên trang nhất của nhật báo Pháp Le Monde hôm nay. Tờ báo còn dành ra nhiều trang giới thiệu với độc giả những hồ sơ đặc biệt và những hình ảnh kiêng kị của cựu tổng thống thuộc đảng Xã hội.
Còn trên trang nhất báo Liberation, với tựa đề « 30 năm sau Mitterrand : quyền sáng chế », cho thấy tầm ảnh hưởng từ hệ tư tưởng của cựu tổng thống này trong hàng ngũ đảng Xã hội như thế nào.
Nhật báo Công giáo La Croix chạy tựa « Chính trị có làm cho người ta mơ uớc nữa không ? » Theo bài báo, 30 năm kể từ sau sự kiện 10 tháng 5 năm 1981, một thăm dò của CSA minh chứng rằng cử tri không còn tin tưởng vào những biến chuyển triệt để nhưng tin cậy vào chính sách để thay đổi.
Cuối cùng, Le Figaro cho rằng dù là biểu tượng nhưng cũng có sai lầm, như tựa đề trên trang nhất « ngày 10/5/1981, bảy sai lầm của Francois Mitterrand ».

Bình luận về bài viết này